Đánh giá sức mua cận Tết tăng cao, các đơn vị sản xuất lẫn phân phối đã chuẩn bị hàng trăm nghìn tấn hàng hóa để cung ứng ra thị trường vào tháng 12.
Saigon Co.op - đơn vị chủ quản hệ thống Co.opmart hiện đã tăng cường lượng hàng thiết yếu gấp 2-4 lần so với ngày thường.
Tổng hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết hơn 110.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Các mặt hàng dự kiến sức mua tăng cao nằm ở nhóm nước giải khát, bia, trái cây và rau củ quả. Co.opmart cũng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hàng nhãn riêng phục vụ mùa Tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món...
Ở mặt hàng thực phẩm và trứng gia cầm, ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân nhận định, sức mua dịp Tết sẽ tăng 15-20% so với ngày thường, nên tính cả lượng hàng dự trữ, tổng sản lượng hàng hóa của đơn vị trong dịp cuối năm tăng khoảng 25-30%.
Năm nay, phối hợp cùng với 2 công ty thành viên Vocarimex và Tường An, Tập đoàn Kido dự kiến cung cấp khoảng 78.000 tấn dầu ăn trong dịp cuối năm.
Tập đoàn Kido cùng công ty thành viên là Tường An và Vocarimex tung ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng cả thị trường thành thị lẫn nông thôn trong dịp Tết năm nay.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm Tổng giám đốc Vocarimex cho biết, gần đây, người dân chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn những sản phẩm có uy tín, thương hiệu. Trong hơn 120 ngành hàng tiêu dùng nhanh, dầu ăn là sản phẩm trong top 3 ngành hàng được quan tâm mua và biếu tặng dịp Tết.
Theo bà Liễu, người tiêu dùng đang chuyển hướng chọn những mặt hàng thiết thực cho đời sống để làm quà tặng. Tại miền Nam, người dân thường tặng dầu ăn trong dịp Tết, thay cho lời chúc phát tài.
"Do đó, các bộ sản phẩm thiết thực với thiết kế trang trọng mang không khí Tết Nguyên đán, giá cả phù hợp, chất lượng cùng tên gọi ý nghĩa sẽ là món quà phù hợp để các doanh nghiệp làm quà tặng cho nhân viên", lãnh đạo Kido kỳ vọng.
Nhờ lợi thế có hai đơn vị thành viên là Vocarimex và Tường An đã có sẵn thị trường, uy tín thương hiệu, chiến lược mùa Tết năm nay của Kido là khai thác cả thị trường thành thị lẫn nông thôn. Doanh nghiệp có nhiều dòng sản phẩm mới và các gói combo, đáp ứng mọi nhu cầu mua làm quà biếu lẫn sử dụng của người dân.
Hiện Kido đã nhận nhiều đơn hàng của các nơi để chuẩn bị kế hoạch quà biếu tặng nhân viên và đối tác dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, không ít đơn vị có hàng chục nghìn nhân sự như Nobland, Taekwang, Pousung, Việt Vinh...
Ngoài việc dành 650 tỷ đồng để đáp ứng nguồn nguyên liệu, hàng hóa cho những tháng cuối năm, Công ty Vissan đang có kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, thu mua dự trữ nguyên vật liệu cho những tháng sau Tết.
Để hạn chế tình trạng thương lái "tát nước theo mưa" tăng giá bán, Công ty TNHH Ba Huân có kế hoạch mở rộng thêm các điểm bán hàng lưu động như các chợ truyền thống và vùng sâu vùng xa tại nhiều địa bàn thành phố của địa phương lân cận.
Hiện nhiều doanh nghiệp đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất để chuẩn bị quà tặng cho nhân viên.
Nhằm tránh hiện tượng khan hàng hoặc bán không đúng giá bình ổn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động dịp trước Tết, phục vụ nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp.
Các Sở Công Thương nhiều tỉnh thành đều nhận định nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, điện máy… trong dịp Tết sẽ tăng khá mạnh. Do đó, cơ quan quản lý đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với năm 2016.
Sở Công Thương Hà Nội dành trên 23.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu cung ứng tới người tiêu dùng, hạn chế tình trạng khan hàng. Tại TP HCM, các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 17.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu.
Nguồn: vnexpress.net