Động thái Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã KDC) chào mua công khai 65% cổ phần Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã TAC) cho thấy quyết tâm khá rõ ràng của KIDO trong việc “dứt duyên” với bánh kẹo để tiến sâu vào lĩnh vực mới.
Trước đó không lâu, hồi cuối tháng 8/2016, KIDO cũng đã chính thức nói lời chia tay hoàn toàn với lĩnh vực bánh kẹo thông qua việc hoàn tất chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại trong mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư nước ngoài. Với động thái này, KIDO đã tuyên bố hoàn thành quá trình tái cấu trúc mảng bánh kẹo theo định hướng đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông công ty này. Thương vụ chuyển nhượng cuối cùng này trong mảng bánh kẹo đem về cho KIDO khoản thu giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo đó, trong năm nay, riêng khoản này có thể sẽ mang về cho doanh nghiệp khoản lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.700 tỷ đồng.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới nhất do Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cấp cho Nhà máy Bánh kẹo Kinh Đô Bình Dương vào tháng 8/2016, thì cái tên KIDO đã không còn trong danh sách nhà đầu tư. Đến nay, 3 nhà đầu tư tại Nhà máy Kinh Đô Bình Dương đều là các đối tác nước ngoài gồm Cadbury Enterprise Pte Ltd, Symphony Biscuits Holdung Pte Ltd. và Kuan Enterprises Private Limited.
KIDO đã “dứt duyên” với mảng bánh kẹo vốn là truyền thống của mình để tiến sâu vào lĩnh vực mới. Ảnh: Đ.T
Động thái của KIDO trong việc chào mua công khai cổ phiếu TAC đang tạo ra dư luận khá tích cực cho cả KIDO lẫn Dầu thực vật Tường An. Theo đó, cổ phiếu của cả 2 doanh nghiệp này đều tăng vọt trong thời gian gần đây.
Cụ thể, cổ phiếu TAC trong tháng 8 vẫn chỉ dao động quanh mốc dưới 60.000 đồng/cổ phiếu, thì đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch 16/9, TAC đã chạm mức giá 83.100 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu KDC của KIDO hồi tháng 8 chỉ quanh mốc khoảng 26.000 - 27.000 đồng/cổ phiếu, thì nay đang ở mức giá 36.400 đồng/cổ phiếu.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc mua lại cổ phần Dầu thực vật Tường An thể hiện mục tiêu khá rõ ràng của KIDO trong tham vọng chiếm lĩnh vị thế trên thị trường dầu ăn, đưa mảng dầu ăn trở thành một lĩnh vực mũi nhọn của công ty này. Đây cũng là một hành động mà KIDO buộc phải làm để củng cố lòng tin trong nhà đầu tư, đặc biệt khi trong tâm niệm của những người hoài cổ, vẫn còn đâu đó sự nuối tiếc một thương hiệu “vang bóng một thời” trong lĩnh vực bánh kẹo.
Tuy nhiên, ở góc độ lãnh đạo công ty, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KIDO, trong một lần gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, đã xoa dịu những nhà đầu tư hoài cổ bằng góc nhìn vừa mang tính thương trường, mà vẫn có nét nhân văn. Theo ông Thành, mảng bánh kẹo của công ty như trái cam đã chín đến lúc phải thu hoạch. Mất đi trái đó, chất dinh dưỡng sẽ được dành để phát triển các trái khác, cây khác trong vườn.
Nói thêm về sự trưởng thành của KIDO, ông Thành cho rằng, mảng bánh kẹo như một cái áo đã chật đối với KIDO và công ty cần một “trận địa” rộng lớn hơn để thi thố. Theo đó, đây là thời điểm mà KIDO cần những thị trường lớn hơn mà công ty có đủ khả năng làm được để gia tăng lợi ích cho các bên liên quan (người tiêu dùng, cổ đông, nhân viên công ty…).
Sau khi đã hoàn toàn dứt duyên với mảng bánh kẹo và dồn lực cho các lĩnh vực mới, đại gia này kỳ vọng, từ năm 2017 lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi như mì ăn liền, kem, dầu ăn, bánh bao sẽ tăng mạnh. Hiện tại, công ty này đang tập trung vào mảng kinh doanh chính là dầu ăn và các ngành còn lại là kem và bánh bao ứng dụng công nghệ của Nhật Bản.
Riêng trong mảng dầu ăn, KIDO đang nuôi tham vọng có thể “thu hoạch” những khoản lợi nhuận lớn trong tương lai, sau khi thực hiện một loạt hoạt động mua cổ phần các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo đó, nước cờ tiếp theo của KIDO được giới quan sát dự báo sẽ là động thái sáp nhập các doanh nghiệp dầu ăn để hình thành một đại gia có vị thế nổi bật hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh khác trong lĩnh vực này và từ đó có thể hoàn toàn làm chủ cuộc chơi.
Nguồn:doisongtieudung.vn